image banner
Thực hiện kế hoạch số: 45/KH-UBND ngày 12/02/2022 của UBND huyện Phù Yên về việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng trên địa bàn huyện năm 2022.
Lượt xem: 212

Thực hiện kế hoạch số: 45/KH-UBND ngày 12/02/2022 của UBND huyện Phù Yên về việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng trên địa bàn huyện năm 2022. Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch, Phòng Tư pháp huyện hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau:

GIỚI THIỆU LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2018

Ngày 20 tháng 11 năm 2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11, Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13. Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh công bố và Luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

1. Sự cần thiết xây dựng luật phòng, chống tham nhũng năm 2018

- Việc xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập qua 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (đã được sửa đổi năm 2007 và 2012)

Sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (Luật PCTN), công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giúp cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong khuôn khổ thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên và các diễn đàn quốc tế khác.

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Kết quả 10 thực hiện Luật PCTN[1] cho thấy, những bất cập của Luật là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, cụ thể như sau:

+ Thứ nhất, quy định về công khai, minh bạch còn chưa mang tính bao quát và thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện, đặc biệt là chưa làm rõ về nguyên tắc, hình thức, nội dung, thời gian, trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch; nội dung công khai, minh bạch theo ngành, lĩnh vực trùng lặp với quy định về công khai trong nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành; chế độ thông tin, báo cáo, đo lường, đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng chưa cụ thể.

+ Thứ hai, quy định về trách nhiệm giải trình chưa phù hợp, còn hẹp (chỉ thực hiện đối với quyết định, hành vi có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức), chưa toàn diện; trình tự, thủ tục và nội dung thực hiện trách nhiệm giải trình còn chưa rõ ràng, chưa mang tính khả thi, chưa gắn với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác, đặc biệt là biện pháp về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

+ Thứ ba, chưa quy định một cách đầy đủ, toàn diện về kiểm soát xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; một số biện pháp hiệu quả còn hạn chế như thiếu cơ chế giám sát, tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vi phạm về nhận, tặng quà; thiếu biện pháp xử lý cụ thể; chưa khắc phục được việc tặng và nhận quà đối với người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến công vụ; chưa kiểm soát được hoạt động và thu nhập ngoài công vụ của người có chức vụ, quyền hạn….

+ Thứ tư, các quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng và không khuyến khích được tính chủ động của người đứng đầu trong phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng …

+ Thứ năm, các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập; còn vướng mắc về trình tự, thủ tục công khai bản kê khai, giải trình, xác minh tài sản, thu nhập khi có yêu cầu; chưa quy định rõ việc sử dụng bản kê khai tài sản vào mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng...

+ Thứ sáu, các quy định về cơ chế phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chưa phù hợp, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với cơ quan điều tra trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng chưa phát huy vai trò của mỗi cơ quan trong xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

+ Thứ bảy, các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng còn thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện, đặc biệt là các biện pháp bảo vệ người tố cáo, khen thưởng người có thành tích trong tố cáo tham nhũng…

+Thứ tám, thiếu quy định về các biện pháp xử lý phi hình sự đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hành vi tham nhũng và thiếu quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm Luật PCTN...

- Những hạn chế, bất cập nêu trên dẫn đến tình trạng làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng. Vì vậy, cần phải xây dựng Luật phòng, chống tham nhũng mới nhằm khắc phục tình trạng đó.

- Việc xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng mới xuất phát từ việc chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta trong việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng:

+ Kết luận Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đưa ra nhiều giải pháp cụ thể về phòng, chống tham nhũng như việc nâng cao các biện pháp minh bạch tài sản, thu nhập …

+ Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản yêu cầu thực hiện thêm các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kê khai, kiểm soát tài sản như quản lý bản kê khai và việc sử dụng, khai thác dữ liệu bản kê khai nhằm phát hiện tham nhũng…

+ Thông báo số 116-TB/BCĐTW ngày 14/5/2015 của Ban Chỉ đạo TW về PCTN, tại phiên họp thứ 7 của Ban, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo đã kết luận cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật PCTN năm 2005 để đáp ứng sát hơn các yêu cầu PCTN, hạn chế tình trạng tham nhũng vặt… 

+ Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng yêu cầu thực hiện nhiều giải pháp về PCTN như nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng sát với thực tiễn và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…

+ Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

- Xây dựng Luật PCTN (sửa đổi) để đồng bộ với quy định mới trong các đạo luật quan trọng khác được Quốc hội thông qua và nhằm nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng

+ Trong thời gian qua, Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng có liên quan đến phòng, chống tham nhũng như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự… Các đạo luật này đã đưa ra nhiều quy định có liên quan như các quy định về công khai, minh bạch trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, đấu thầu, quản lý doanh nghiệp nhà nước; các quy định về tội phạm tham nhũng và các tội phạm về chức vụ (mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả khu vực ngoài nhà nước đối với tội tham ô, đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ; hoàn thiện cấu thành của một số nhóm tội đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tham nhũng; quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân…

+ Kết quả đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng trong Chu trình đầu tiên đối với Chương III về hình sự hóa, thực thi pháp luật và Chương IV về hợp tác quốc tế cho thấy Việt Nam đáp ứng phần lớn các yêu cầu của Công ước, đặc biệt là các yêu cầu mang tính bắt buộc. Chu trình đánh giá tiếp theo đối với Chương II về phòng ngừa tham nhũng và Chương IV về thu hồi tài sản bắt đầu từ năm 2016 đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam. Theo đó, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước một cách toàn diện, sâu…

 + Từ những lý do nêu trên, việc ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 để thay thế Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012) là rất cần thiết.

2. Quan điểm chỉ đạo, định hướng xây dựng luật phòng, chống tham nhũng dựa trên quan điểm và nguyên tắc cơ bản sau:

+ Việc sửa đổi toàn diện Luật PCTN là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có tác động quan trọng đến sự ổn định, phát triển của đất nước. Vì vậy, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối, chính sách có liên quan của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng.

+ Tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm của Luật PCTN là xây dựng một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, qua đó góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch để “không thể tham nhũng”; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng để “không dám tham nhũng”.

+ Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của Luật PCTN với Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật khác có liên quan, bảo đảm tính khả; có những bước đi phù hợp nhằm nâng cao mức độ tuân thủ các yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là quốc gia thành viên.

3. Những nội dung cơ bản của luật phòng, chống tham nhũng năm 2018

- Phạm vi điều chỉnh: Đây là nội dung quan trọng, cơ bản nhất của Luật PCTN năm 2018 làm cơ sở cho việc quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng và những nội dung khác có liên quan của Luật. Luật PCTN năm 2018 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật ra khu vực ngoài nhà nước. Quy định này thể hiện tinh thần từng bước mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đối với khu vực ngoài nhà nước cho phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng bộ Bộ Luật Hình sự đã mở rộng quy định xử lý đối với một số tội phạm về tham nhũng trong mọi tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước; phù hợp với yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

- Về những quy định chung

+ Về các hành vi tham nhũng

+ Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng

+ Về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN

- Phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (Chương II): Nội dung quy định tại Chương II Luật PCTN năm 2018 được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước.

+ Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị(Mục 1)

+ Xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ (Mục 2)

+ Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn (Mục 3)

+ Chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức (Mục 4)

+ Cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt (Mục 5)

- Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (Mục 6 Chương II)

+ Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập

+ Kê khai tài sản, thu nhập

+ Xác minh tài sản, thu nhập

+ Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập

- Phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (Chương III)

+ Công tác kiểm tra và tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị (Mục 1)

+ Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán (Mục 2)

+ Phản ánh, tổ cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng

- Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị (Chương IV)

- Trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng

- Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

- Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong phòng, chống tham nhũng (Chương VII)

- Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng (Chương VIII)

- Xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng (Chương IX)

- Những vấn đề khác: Ngoài những nội dung chính nêu trên, Luật PCTN năm 2018 còn quy định một số vấn đề khác như giải thích từ ngữ; quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng; giám sát công tác phòng, chống tham nhũng của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử; các hành vi bị nghiêm cấm và điều khoản thi hành.


[1] Căn cứ vào Báo cáo tổng kết 10 năm, báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng; các báo cáo hàng năm của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (giai đoạn 2006 - 2015); và các báo cáo khảo sát, nghiên cứu, đánh giá về việc thực hiện Luật PCTN như Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) giai đoạn 2010 - 2014; Báo cáo kết quả khảo sát “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” năm 2013 và Khảo sát về xung đột lợi ích trong khu vực công: quy định và thực tiễn ở Việt Nam năm 2016 do Ngân hàng Thế giới (WB) và Thanh tra Chính phủ thực hiện; Khảo sát 10 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 do Thanh tra Chính phủ thực hiện…

Chi tết văn bản xem file đính kèm bên dưới: 

 

Đề cương tuyên truyền Luật phòng, chống Tham nhũng

Nội dung cơ bản NĐ 130 về kiểm soát TS thu nhập: 

Luật 36.2018 PC tham nhũng


 

Tin tức








Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN PHÙ YÊN

Cơ quan chủ quản: UBND huyện Phù Yên - Giấy phép xuất bản số:      /GP-TTĐT
Địa chỉ: Tiểu khu 4 - Thị trấn Phù Yên - Huyện Phù Yên - Tỉnh Sơn La
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Phan Quý Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện
Điện thoại: 02123.863.322 |  Mail: bbt.phuyen@sonla.gov.vn
Ghi rõ nguồn "https://phuyen.sonla.gov.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

 Chung nhan Tin Nhiem Mang