(Nguồn: sonla.gov.vn) Sau hơn 02 năm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, nhận thức, ý thức của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng như người dân có sự thay đổi rõ rệt. Chuyển đổi số giúp Sơn La có cơ hội bắt kịp và vươn lên, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Đi chợ không dùng tiền mặt
Với người dân ở các phường của thành phố Sơn La, bắt đầu từ tháng 8/2023, thay vì đến nhà văn hóa các tổ dân phố, khu dân cư để nộp tiền điện họ có thể ở nhà sử dụng điện thoại thông minh được kết nối mạng để hoàn thành các thủ tục giao dịch nộp tiền điện.
Chị Lò Thị Hằng, tổ 02, phường Chiềng An chia sẻ: "Vợ chồng tôi làm ở cơ quan nhà nước, mỗi khi đến kỳ nộp tiền điện lại vào ngày làm việc không có thời gian nên phải nhờ bạn bè, hàng xóm thanh toán; có lần đi nộp được lại phải đứng chờ đợi rất mất thời gian. Khi Điện lực thành phố Sơn La có chủ trương thanh toán tiền điện bằng hình thức chuyển khoản thông qua hệ thống ngân hàng, tôi đã đến để được hướng dẫn làm các thủ tục. Giờ đây việc thanh toán tiền điện rất thuận tiện cho tôi cũng như nhiều gia đình trong khu phố".
Hướng dẫn các hộ kinh doanh tại chợ cài đặt và sử dụng mã thanh toán QR, ví điện tử.
Thực tế, việc không dùng tiền mặt để thanh toán tiền điện hay mua sắm đồ dùng ngày càng được nhiều người dân sử dụng, nhất là khi quá trình chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng công nghệ thông tin đang trở nên phổ biến. Tại chợ Trung tâm (thành phố), từ tháng 5/2022, hầu hết người dân trên địa bàn thành phố và những vùng lân cận khi đến chợ mua sắm đồ thay vì mang tiền mặt họ đều thực hiện bằng việc quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money.
Ban quản lý chợ Trung tâm cho biết: "Trong chợ hiện có 400 quầy hàng. Lúc đầu, việc cài đặt ứng dụng còn bỡ ngỡ với các hộ kinh doanh và người dân do mới tiếp cận. Nhờ tuyên truyền, hướng dẫn của Viettel Sơn La, người dân thấy rất tiện ích và hưởng ứng tích cực. Đến nay, đã có khoảng 80% chủ cửa hàng cài đặt phần mềm này. Đây cũng là cách giúp các tiểu thương và khách hàng tiếp cận nhiều hơn với công nghệ số".
Hành động thực chất để thay đổi thực chất
Thay đổi thói quen là việc làm khó, mất nhiều thời gian, song nếu chỉ vì khó mà không quyết tâm, không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chắc chắn sẽ không thực hiện được. Thực tế, với ngành điện lực khi mới thực hiện thí điểm về thu tiền điện theo phương thức chuyển tiền qua tài khoản có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn.
Nhân viên Điện lực hướng dẫn thủ tục thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt cho người dân.
Lãnh đạo Công ty Điện lực Sơn La cho biết: "Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt được Công ty Điện lực Sơn La triển khai thí điểm từ tháng 8 - 10/2023 tại một số điểm của thành phố và thị trấn các huyện. Cùng với những thuận lợi như nhanh chóng, tiện lợi, không phải chờ đợi, việc thanh toán cũng gặp những khó khăn, nhất là đối với người cao tuổi do chưa sử dụng quen với thiết bị điện thoại thông minh để hoàn tất các giao dịch. Vấn đề này, ngay từ khi triển khai, chúng tôi đã xác định những khó khăn bước đầu đó là phải từng bước thay đổi thói quen của người dân. Chúng tôi chỉ đạo Điện lực thành phố và điện lực các huyện tổ chức tuyên truyền cho người dân thấy được những tiện lợi của việc thanh toán không dùng tiền mặt từ đó thay đổi nhận thức. Với những khó khăn về thủ tục, cách thanh toán chúng tôi bố trí cán bộ hướng dẫn tận tình với phương châm “khó ở đâu gỡ ở đó”".
Tại huyện Sông Mã, trên tinh thần Nghị quyết số 17-NQ/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy về CĐS, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, đánh giá sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Hoạt động CĐS trên địa bàn huyện đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, làm chuyển đổi mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, bên cạnh sự vào cuộc tích cực, một số địa phương vẫn chưa quyết liệt trong triển khai CĐS, thể hiện ở việc chưa nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử; vẫn còn lãnh đạo, công chức chưa sử dụng thường xuyên mạng văn phòng liên thông; cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị phục vụ CĐS chưa được đầu tư nâng cấp... Vì vậy, thời gian tới huyện tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của tỉnh về CĐS; phát huy vai trò của người đứng đầu trong CĐS. Bên cạnh đó, quan tâm hoàn thiện cơ chế gắn với phát triển nguồn nhân lực phục vụ CĐS cũng như huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu CĐS.
Chuyển đổi số là quá trình liên tục, lâu dài; thời gian qua, hoạt động CĐS trên địa bàn tỉnh dù đạt được những kết quả nổi bật, nhất là trong 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số); tỉnh, huyện đến các xã, phường, thị trấn đều đã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS; các thôn, xóm thành lập tổ công nghệ số cộng đồng và từng bước hoạt động hiệu quả. Cùng với những kết quả đạt được, hiện nay một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; một số bộ phận cán bộ chưa thật sự đổi mới, còn giữ thói quen truyền thống làm việc cũ; trình độ, kỹ năng, nhận thức của một bộ phận cán bộ về CĐS còn hạn chế; hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số còn hạn chế... Vì vậy, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội... cần tiếp tục triển khai quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 17-NQ/TU tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Xây dựng chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện phù hợp với tình hình, nhiệm vụ được giao, đồng thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết để tiếp tục đưa Sơn La bứt phá, vươn lên.
Quốc Tuấn