Phù Yên: Báo cáo Kết quả thực hiện chuyển đổi số, Phát triển chính phủ điện tử của huyện Phù Yên 6 tháng đầu năm, Phương hướng thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023
Thực hiện Kế hoạch số 73/KH-HU ngày 12/10/2021 của Huyện uỷ Phù Yên về triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Phù Yên. Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Phù Yên Báo cáo kết quả thực hiện công tác chuyển đổi số, phát triển chính phủ điện tử 6 tháng đầu năm, phương hướng thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 cụ thể như sau:
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành
- Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch số 73/KH-HU ngày 12/10/2021 của Huyện uỷ Phù Yên về triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Phù Yên.
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện tại Quyết định số 1810-QĐ/HU ngày 24/3/2023 về việc kiện toàn, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số huyện Phù Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
- Ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 30/5/2023 về hoạt động của ban chỉ đạo về chuyển đổi số huyện Phù Yên năm 2023.
2. Quán triệt, chuyển đổi nhận thức và phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:
- Các cấp uỷ, tổ chức Đảng, các cơ quan, ban ngành đoàn thể tiếp tục tuyên truyền về các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn huyện theo các Đề án, Nghị quyết của Ban Thường vụ tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tuyên truyền phổ biến về các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược về ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số của Đảng và Nhà nước, tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền theo nội dung Kế hoạch số 345/KH-UBND ngày 29/12/2021 về tuyên truyền xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, nâng cao nhận thức và phát triển kiến thức an toàn thông tin giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Phù Yên; Kế hoạch số 214/KH-UBND ngày 12/7/2022 về phát động phong trào thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn huyện Phù Yên giai đoạn 2022 – 2025; Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 22/02/2023 về Tuyên truyền chuyển đổi số năm 2023.
- Ngành Công an tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn công dân đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử gắn với triển khai thu nhận hồ sơ Căn cước công dân, xác thực định danh điện tử trên địa bàn huyện...
- Tham dự đầy đủ các cuôc họp, Hội thảo liên quan đến chuyển đổi số do UBND tỉnh, sở thông tin và Truyền thông tổ chức trực tuyến.
3. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ tại kế hoạch chuyển đổi số năm 2023
+ Về dữ liệu số: Cổng thông tin điện tử của huyện cung cấp dịch vụ số phổ biến trên mạng có thu thập dữ liệu cá nhân được đánh giá an toàn thông tin và gán nhãn tín nhiệm mạng.
- Về chính quyền số:
+ 100% Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau (bao gồm cả thiết bị di động) đạt 100% (đối với các thủ tục hành chính đủ điều kiện). Kết quả đã cung cấp 212 dịch vụ công toàn trình (mức độ 4) đủ điều kiện cấp huyện đạt 100%; 73 dịch vụ công toàn trình cấp xã, thị trấn đủ điều kiện cho 27 xã, thị trấn đạt 100%.
+ Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến đạt 50%. Kết quả: tính đến 15/6/2023 tổng số tiếp nhận và giải quyết 19.456/25.269 = 76,99% hồ sơ trực tuyến toàn trình, trong đó Cấp huyện 1355/1866= 72,61% đã giải quyết song 1780, đang giải quyết 86, quá hạn 0; Cấp xã 18.101/23.403= 77,34% đã giải quyết song 23.394 đang giải quyết 9, quá hạn 13. Nguyên nhân tồn đọng: 13 hồ sơ trực tuyến huyện quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính. (04 hồ sơ Tư pháp Gia Phù, 01 hồ sơ Tư pháp Tân Lang, 01 hồ sơ Tư pháp Quang Huy, 01 hồ sơ Tư pháp Suối Tọ, 01 hồ sơ Tư pháp Huy Tường, 04 hồ sơ Tư pháp Mường Thải, 01 hồ sơ LĐTBXH Bắc Phong do cán bộ công chức viên chức không xử lý kịp thời trên phần mềm Dịch vụ công trực tuyến trên cổng thông tin điện tử).
+ Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của huyện được tích hợp, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 100%. Kết quả: 0 (Đang phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện quy trình tích hợp).
+ Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%. Kết quả: 100% TTHC cấp huyện, 58% TTHC cấp xã đã được số hoá.
+ Tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 50%. Kết quả: 50% cơ quan hành chính nhà nước được triển khai thực hiện qua phần mềm báo cáo trực tuyến.
+ Tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp huyện và cấp xã được tạo lập, xử lý, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu hoàn toàn dưới dạng điện tử trên môi trường mạng đạt 60%, 30% (trừ những hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Kết quả: Cấp huyện 899/924 văn bản được ký số và chuyển trên hệ thống văn bản và điều hành VNPT ioffice đạt 97,3%; cấp xã, thị trấn 3731/3772 văn bản được ký số và chuyển trên hệ thống văn bản và điều hành VNPT ioffice đạt 99%.
+ Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản đạt 35%. Kết quả đến cuối năm 2022 30% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản, năm 2023 đã đăng ký cử 440 lượt cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức dự kiến thực hiện vào tháng 7/2023.
+ Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số đạt 15%. Kết quả trong 06 tháng đầu năm đã cử 15 lượt công chức tham dự các lớp tập huấn trực tuyến cho Bộ và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức.
- Về phát triển kinh tế số:
+ Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP theo chỉ tiêu 2%. Kết quả thực hiện đạt 1,8%.
+ Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực theo chỉ tiêu đạt tối thiểu trên 2%. Kết quả thực hiện đạt 1,8%.
+ Số doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số theo chỉ tiêu đạt 30%. Kết quả thực hiện: UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 11/5/2023 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn huyện Phù Yên tính đến hiện tại 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa đã sử dụng các nền tảng số vào trong các hoạt động của doanh nghiệp.
+ Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ theo chỉ tiêu đạt 3%. Kết quả thực hiện đạt 2,8%.
- Về phát triển xã hội số:
+ Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 55%. Kết quả thực hiện đạt 53%.
+ Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 37,8%. Kết quả thực hiện đạt 27,4%.
+ Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp được hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đạt 100%. Kết quả thực hiện đạt 100%.
+ Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt từ 60%. Kết quả đạt 58%.
+ Tỷ lệ hộ gia đình có địa chỉ số đạt 100%. Kết quả tại Công văn số 437/STTTT-TTBCXBBC ngày 12/4/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La về việc tạm dừng triển khai gắn biển địa chỉ số do đó trên địa bàn huyện chưa được triển khai gắn địa chỉ số tại các hộ gia đình.
+ Tỷ lệ trường học có ứng dụng công nghệ số trong công tác dạy học và hoạt động quản lý đạt 100%. Kết quả 100% các trường học trên địa bàn huyện có ứng dụng công nghệ số trong công tác dạy học và hoạt động quản lý.
+ Tỷ lệ bệnh viện tuyến huyện triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đạt 100%. Kết quả trên địa bàn huyện có 01/01 bệnh viện tuyến huyện đó là Bệnh viện đa khoa khu vực Phù Yên đã triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đạt 100% .
- Về an toàn, an ninh mạng:
+ Tỷ lệ máy tính trong cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện xã cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc theo mô hình tập trung đạt 100%. Kết quả 40% máy tính trong cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện đã cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc theo mô hình tập trung, 60% máy tính dùng phần mềm phòng, chống mã độc có bản quyền của BKAV (lý do phải dùng của BKAV do hiện tại phần mềm phòng, chống mã độc theo mô hình tập trung của tỉnh báo đã đầy không thể cài đặt thêm được). Cấp xã, thị trấn 100% máy tính dùng phần mềm phòng, chống mã độc có bản quyền của BKAV do chưa được triển khai cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc theo mô hình tập trung.
+ Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động thông minh có sử dụng phần mềm an toàn thông tin mạng cơ bản trên 15%. Kết quả đạt 13%.
+ Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng có sử dụng giải pháp an toàn thông tin mạng cơ bản đạt trên 10%. Kết quả đạt 8%.
* Tổ chức các hoạt động năm chuyển đổi số và hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia - 10/10/2023:
- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và duy trì Chuyên mục Chuyển đổi số trên Cổng thông tin điện tử và sóng phát thanh cấp huyện, cấp xã huyện Phù Yên: Đã ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 18/5/2023 về tuyên truyền cuộc thi tìm hiểu về Chuyển đổi số tỉnh Sơn La đồng thời chỉ đạo các cơ quan đơn vị đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, duy trì hoạt động thường xuyên chuyên mục Chuyển đổi số trên Cổng thông tin điện tử và sóng phát thanh cấp huyện, cấp xã để đăng tải thông tin về tình hình triển khai các nội dung về xây dựng Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn huyện. Kết quả: Trung tâm truyền thông - Văn hoá huyện đã Biên tập được 22 tin, biên soạn 67 bài, 07 phóng sự phát trên sóng phát thanh của Đài phát thanh huyện; Cổng Thông tin điện tử huyện đăng tải được 25 tin, 43 bài, 10 ảnh về công tác chuyển đổi số trong chuyên mục chuyển đổi số của Cổng; Đài truyền thanh cấp xã tiếp và phát sóng được 1.320 lượt, hệ thống loa cơ sở phát thanh được 2.980 lượt tuyên truyền các nội dung liên quan đến chuyển đổi số.
- Công tác Phối hợp và tổ chức tập huấn chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức: Tại Công văn số 519/UBND-VHTT ngày 10/4/2023 UBND huyện đã gửi Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La đăng ký cử 232 cán bộ công chức,viên chức; 1107 thành viên tổ chuyển đổi số cộng động tham gia tập huấn 03 lớp ứng dụng CNTT trực tuyến; 208 đồng chí cán bộ, công chức, viên chức tham gia 02 lớp tập huấn trực tiếp về chuyển đổi số với các nội dung tuyên truyền kiến thức, phổ biến các chủ trương, định hướng, nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số trong giai đoạn 2023 - 2025; hướng dẫn thực hiện các chương trình dự án liên quan về chuyển đổi số; hướng dẫn kỹ năng sử dụng một số hệ thống dùng chung của tỉnh như: Một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, số hoá hồ sơ, thư công vụ, ký số, thanh toán trực tuyến…
* Kết quả triển khai các nội dung theo đề án 06/cp:
- Kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến
+ Tính đến ngày 19/6/2023 trên địa bàn huyện Phù Yên đã cung cấp 212 DVC toàn trình cấp huyện, 73 DVC toàn trình cấp xã, thị trấn, trong đó đảm bảo 100% các dịch vụ công thiết yếu thực hiện theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 về phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) đã được cung cấp toàn trình.
+ Số lượng dịch vụ công đã tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia: 0 (Huyện đang thực hiện các quy trình Phối hợp với các Cơ quan, đơn vị liên quan để tích hợp các DVC trên cổng dịch vụ công quốc gia).
- Kết quả thực hiện mô hình điểm về triển khai đề án 06/cp đã đăng ký với chủ tịch UBND tỉnh theo yêu cầu tại Công văn số 984/UBND-NC ngày 28/3/2023:
Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên đăng ký thực hiện 7 mô hình điểm về triển khai Đề án 06/CP đó là mô hình số 1, 3, 5, 8, 9, 10, 12 kết quả triển khai cụ thể như sau:
- Mô hình 1: Triển khai dịch vụ công: Đã triển khai cung cấp 212 DVC toàn trình cấp huyện, 73 DVC toàn trình cấp xã, thị trấn, trong đó 100% các dịch vụ công thiết yếu thực hiện theo Đề án 06/CP đã được cung cấp toàn trình, đã đầu tư, trang thiết bị (máy tính có kết nối internet, máy in, máy scan) để thực hiện dịch vụ công tại Bộ phận một cửa các cấp; cán bộ công chức và Tổ chuyển đổi số cộng đồng các cấp thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn hỗ trợ các tổ chức và cá nhân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang khi có nhu cầu đều thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công; 50% gia đình, thân nhân của họ tham gia.
- Mô hình 3: Mô hình thanh toán không dùng tiền mặt: 100% các cơ sở giáo dục, y tế trên địa bàn đã thực hiện.
- Mô hình 5: Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử và ứng dụng VneID: 100% các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử, ứng dụng VNeID thay thế thẻ BHYT, ứng dụng VSSID khi khám chữa bệnh. 100% công dân sử dụng thẻ CCCD gắn chip để khám chữa bệnh, trong đó có 70% số lượng công dân sử dụng CCCD đi khám, chữa bệnh có thông tin bảo hiểm trả về.
- Mô hình 8: Mô hình tuyên truyền
+ 50% bộ phận một cửa các cấp đã có video hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công.
+ 100% bộ phận một cửa các cấp đã có pano, ap pich tuyên truyền tiện ích của Đề án 06.
+ Mô hình 9: Mô hình tuyên truyền Đã triển khai tập huấn cho 100% cán bộ, công chức, viên chức và tuyên truyền người dân thực hiện sử dụng dữ liệu khi tra cứu vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc sử dụng dữ liệu của người dân tại VNeID mức 2.
- Mô hình 10: Mô hình tại bộ phận một cửa
+ 100% các địa điểm, trụ sở Công an cấp xã, hệ thống 1 cửa 3 cấp có cán bộ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
+ 100% địa điểm tại bưu điện là địa điểm hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến.
- Mô hình 12: Mô hình triển khai lưu trú tại các bệnh viện: Bệnh viện đa khoa huyện đã triển khai hướng dẫn các bệnh nhân cài đặt VNeID và sử dụng chức năng thông báo lưu trú trên VneID. Kết quả đạt 10%.
- Kết quả thực hiện cải tiến quy trình tiếp nhận, hướng dẫn hỗ trợ người dân doanh nghiệp tại Bộ phận một cửa các cấp theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm:
+ Bộ phận một cửa huyện Phù Yên có Trụ sở riêng biệt có diện tích sử dụng khoảng 200m2 với 12 bàn giao dịch tại Tiểu khu 2, thị trấn Phù Yên. (Trong sân Nhà Văn hóa Trung tâm huyện Phù Yên, đối diện Ngân hàng nông nghiệp &PTNT huyện Phù Yên), đã được nâng cấp 212/277 dịch vụ công toàn trình cấp huyện, được phủ sóng wifi và nhiều dịch vụ tiện ích miễn phí khác nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
+ Bộ phận một cửa cấp xã, thị trấn được bố trí tại tầng 1 ở vị trí trung tâm dễ nhìn thấy của trụ sở UBND xã, thị trấn, trung bình Bộ phận một cửa mỗi xã, thị trấn có 4 bàn giao dịch, 27/27 xã thị trấn được cấp tài khoản 1 cửa hiện đại và 100% các xã thị trấn đều sử dụng phần mềm một cửa điện tử thường xuyên, đã được cung cấp 73/121 dịch vụ công toàn trình, được phủ sóng wifi và nhiều dịch vụ tiện ích miễn phí khác giúp Người dân tiếp cận dễ dàng dịch vụ công mọi lúc, mọi nơi.
+ Huyện đã lựa chọn những nhóm TTHC lĩnh vực tư pháp, hộ tịch là các dịch vụ công thiết yếu trong Đề án 06/CP gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để tập trung triển khai, thuận lợi, kịp thời, hiệu quả; thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ” sang hỗ trợ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp; quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng yếu thế; chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân tộc thiểu số, các nhóm đối tượng có trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế và khó khăn trong việc thực hiện TTHC, dịch vụ công trực tuyến, thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử.
+ Thực hiện số hóa hồ sơ, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện ký số, gửi nhận văn bản và xử lý công việc trên môi trường điện tử tại cấp huyện và cấp xa, thị trấn theo quy định.
+ Trong quá trình giải quyết các TTHC nếu hồ sơ, thủ tục bị giải quyết quá hạn thì các phòng, ban, đơn vị trực tiếp giải quyết TTHC phải công khai xin lỗi các tổ chức, cá nhân và có văn bản giải trình với UBND huyện. Đây được xem là cách làm mới trong việc thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông, hướng tới nền hành chính phục vụ; chuyên môn hóa, tách hoạt động chuyên môn với nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân, thể hiện tính chuyên nghiệp trong hoạt động, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, nâng cao năng lực, trách nhiệm của công chức chuyên môn về kỹ năng và thái độ phục vụ nhân dân, thay đổi tác phong, thái độ làm việc của cán bộ, công chức; bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong cách thức tiếp nhận dịch vụ công; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC; tăng cường cơ chế giám sát và tự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức, góp phần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước.
4. Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối cuối năm 2023:
+ Một là: Tiếp tục Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân và xã hội bằng các hình thức thiết thực, phù hợp.
+ Hai là: Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Đề án 06/CP.
+ Ba là: Tiếp tục hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, UBND các xã thị trấn tăng cường tiếp nhận và giải quyết hồ sơ toàn trình, tăng tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến tại cấp huyện, cấp xã.
+ Bốn là: Tiếp tục hướng dẫn, tăng cường sử dụng chữ ký số và hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT Ioffice; các nền tảng số dùng chung của tỉnh.
+ Năm là: Phối hợp UBND huyện với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La Tổ chức 03 lớp tập huấn ứng dụng CNTT trực tuyến và 02 lớp tập huấn trực tiếp về chuyển đổi số.
+ Sáu là: Tăng cường phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng rộng toàn dân; khắc phục các điểm lõm, khuất sóng di động, sóng 4G.
+ Bẩy là: Chỉ đạo đầu tư xây dựng Phòng họp không giấy tờ của huyện với quy mô đảm bảo khoảng 50 người tham gia.
+ Tám là: Xây dựng Trung tâm điều hành thông minh tại của huyện đảm bảo tích hợp, liên thông dữ liệu với Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh.
Ảnh internet