image banner
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Phù Yên
Lượt xem: 80
Với mục tiêu nâng cao giá trị trên một ha đất canh tác, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, ngày 28/1/2021, Huyện ủy Phù Yên đã ban hành Đề án số 03-ĐA/HU về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đã tạo bước tiến cho nông nghiệp Phù Yên.

Nhân rộng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trên địa bàn huyện Phù Yên ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tại cánh đồng xã Huy Hạ, thật ấn tượng với hệ thống nhà màng, nhà lưới hiện đại của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc đang sử dụng để phục vụ các loại rau, quả, dưa lưới, dưa chuột, cà chua...

Mô hình trồng dưa trong nhà màng của HTX Dịch vụ nông nghiệp  Mường Tấc.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc thành lập năm 2016, có 12 thành viên, trồng 10 ha các loại rau, củ, quả. Năm 2018, HTX triển khai mô hình sản xuất an toàn và đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng để trồng dưa lưới, đến nay đã nâng diện tích nhà màng lên 3.800 m2 trồng dưa lưới chất lượng thơm ngon được thị trường rất ưa chuộng.

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc thu hoạch dưa lưới.

Ông Phạm Văn Ba, Giám đốc HTX, thông tin: Sản lượng dưa lưới của HTX đạt 60 tấn/năm, giá bình quân 45 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, HTX  trồng 2 ha dưa KICHI 207, mướp, bắp cải, bí đao, bí thơm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP... Ngoài ra, còn liên kết gần 50 hộ các xã Huy Tân, Suối Bau, Kim Bon và Mường Thải trồng 40 ha rau màu. Bình quân mỗi năm, HTX sản xuất, bao tiêu hơn 200 tấn rau, củ, quả... doanh thu gần 2 tỷ đồng/năm.

Thành viên HTX Tân Thịnh Phát ghi nhật ký quy trình chăm sóc chuối theo hướng hữu cơ

Tại HTX Tân Thịnh Phát, bản Puôi, xã Huy Tân, vườn chuối xanh mướt trải dài tít tắp, được lắp hệ thống tưới nhỏ giọt, kéo đến từng gốc chuối và béc phun hoàn toàn tự động. Trồng theo hướng hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP, nên mỗi cây chuối có sổ nhật ký canh tác riêng theo dõi thời gian trồng, quá trình sinh trưởng và phát triển; thời điểm bón phân, lượng phân cho từng cây, từng loại giống.

Ông Tòng Văn Đôi, Giám đốc HTX, cho biết: Cuối năm 2020, HTX nhận thầu toàn bộ 12 ha đất của bà con để trồng chuối xuất khẩu. Xác định sản xuất theo hướng bền vững, HTX đầu tư 2 tỷ đồng để ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP vào trồng chuối và đã chọn giống chuối tây Thái Lan F1, chuối già Nam Mỹ và chuối Tiêu Hồng để trồng. Sản lượng gần 800 tấn quả/năm, toàn bộ sản phẩm được thương lái đến tận vườn thu mua với giá khoảng 6.000 đồng/kg, cho thu nhập 4,8 tỷ đồng/năm. Ưu điểm của ứng dụng công nghệ cao vào trồng chuối, các giống chuối nuôi cấy mô nên 5 năm mới phải thay gốc trồng lại.

Thu hoạch chuối tại HTX Tân Thịnh Phát.

Ngoài chuối thành phẩm được xuất bán, các phụ phẩm thân, lá chuối được HTX tận dụng chế biến làm thức ăn cho gần 10 con bò. Chất thải chăn nuôi được quay vòng lại để bón cho cây chuối, trở thành mô hình tuần hoàn xanh.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phù Yên có tổng diện tích 7.319 mnhà màng tại HTX Đồng Tiến, xã Mường Do, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mường Tấc, xã Huy Hạ, HTX nông nghiệp Bích Hà, xã Huy Tường. Duy trì 19 ha tưới tiết kiệm cho cây ăn quả, gồm hệ thống tưới nhỏ giọt cho mô hình trồng 12 ha chuối liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Huy Tân; 2 ha mít Thái, bản Tường Quang, xã Quang Huy; 5 ha trồng cam đường canh, bản Vường, xã Tân Lang và HTX trồng cam Văn Yên, xã Mường Thải; 3 ha bưởi da xanh, xã Tân Lang và xã Mường Thải…

Ngoài ra, nông dân trên địa bàn huyện đã ứng dụng cơ giới hóa vào trồng lúa, sử dụng máy cấy mạ khay, máy gặt liên hoàn, mang lại nhiều lợi ích, vừa tiết kiệm thời gian, sức lao động, giảm chi phí cho quá trình thu hoạch, bảo đảm kịp thời vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Khuyến khích sản xuất theo hướng hữu cơ

Ngoài chú trọng ứng dụng công nghệ cao sản xuất nông nghiệp, huyện Phù Yên khuyến khích nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo ra sản phẩm nông sản sạch, an toàn, bảo vệ môi trường và đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Nông dân xã Huy Hạ kiểm tra sự phát triển lúa hữu cơ.

Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Yên, cho biết: Thực hiện Đề án số 03-ĐA/HU ngày 28/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, UBND huyện đã ban hành 33 văn bản chỉ đạo, điều hành; cụ thể hóa các mục tiêu nhiệm vụ định hướng lớn; trong đó, thành lập tổ công tác và phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn; chú trọng đưa cây trồng mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của các địa phương vào trồng thí điểm. Triển khai các chính sách hỗ trợ của tỉnh, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện.

 UBND huyện xây dựng Dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm gạo liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm” hỗ trợ nông dân trồng lúa hữu cơ. Đến nay, trồng gần 521 ha lúa hữu cơ và lúa theo hướng hữu cơ, đạt 86,8% kế hoạch; trong đó, 130 ha lúa sản xuất hữu cơ được Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp cấp giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ; trồng 5 ha rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt 100% kế hoạch; 5 ha cam, 02 ha bưởi theo hướng hữu cơ.

Đồng thời, phát triển mô hình nuôi dúi, với quy mô 4.100 con, đạt 136,6% kế hoạch; nuôi 12.000 con gà theo hướng hữu cơ, đạt 92,7% kế hoạch và nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại vùng lòng hồ sông Đà, với tổng số 250 lồng cá, đạt 100% kế hoạch; huyện Phù Yên đang thu hút đầu tư lĩnh vực chăn nuôi lợn sinh sản chất lượng cao...

Mô hình trồng lúa hữu cơ tại xã Huy Hạ 

Tiên phong thâm canh lúa hữu cơ, năm 2019, HTX Dịch vụ nông nghiệp Quang Huy, xã Quang Huy liên kết với Công ty cổ phần tập đoàn Quế Lâm, Công ty cổ phần tập đoàn Bảo Minh trồng thử nghiệm 30 ha lúa xuân theo hướng hữu cơ, với các giống đài thơm 8; séng cù và J02, được chăm sóc, bón phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh, nên không có chất độc hại. Vụ đầu tiên, năng suất đạt hơn 6,2 tấn/ha, giá bán cao gấp đôi so với loại gạo thâm canh truyền thống.

Bà Cầm Thị Ngân, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Quang Huy, vui mừng: Hiện nay, HTX có khoảng 60 thành viên, ngoài duy trì thâm canh 30 ha, HTX liên kết với một số hộ dân xã Quang Huy, xã Huy Tân, canh tác thêm gần 100 ha lúa hữu cơ, năng suất đạt gần 7 tấn/ha. Lợi ích thiết thực khi triển khai mô hình trồng lúa hữu là thân thiện với môi trường, giá bán cao hơn so với giống lúa J02 và Đài Thơm 8, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Bà Cầm Thi Viên, bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, cho biết: Trồng theo hướng hữu cơ, lúa sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh; công chăm sóc ít hơn so với phương pháp sản xuất cũ, cho sản phẩm giá trị cao hơn. Nhất là, giá 1 kg thóc J02 chất lượng cao được 13 nghìn đồng, cao hơn 5-7 nghìn so với thóc thâm canh theo phương pháp truyền thống. 

Phát triển nông nghiệp bền vững

Định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo các xã thực hiện sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đảm bảo phát triển ổn định, bền vững, ứng dụng công nghệ cao; tăng diện tích, sản lượng cây trồng, vật nuôi áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt hoặc các tiêu chuẩn tương tự đảm bảo đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Chú trọng liên kết tiêu thụ bằng cách thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, tiến tới vùng chuyên canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng lớn đồng đều, bảo đảm chất lượng, tăng giá trị hàng hóa và tăng thu nhập cho nông dân.

Đồng chí Cầm Văn Tân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phù Yên, cho biết: Phấn đấu đến năm 2025, huyện Phù Yên sẽ hình thành 2 - 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho cây ăn quả có múi, lúa gạo, rau và chăn nuôi; trên 5 doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển trên 30 ha sử dụng hệ thống tưới tiết kiệmphát triển 3 - 5 nhà màng, mỗi nhà màng khoảng 0,25 ha; có 250 lồng cá nuôi theo tiêu chuẩn VietGap; thâm canh 600 ha lúa hữu cơ và theo hướng hữu cơ; trên 300 ha cam, bưởi, quýt trồng theo hướng hữu cơ… Xây dựng thương hiệu “Gạo Phù Yên”; quản lý, sử dụng hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận cam Phù Yên…

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ cần phải kiên trì và có chiến lược đầu tư lâu dài. Song với những kết quả đã đạt được, tin rằng nông dân và các HTX trên mảnh đất Phù Hoa sẽ làm xoay chuyển phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất an toàn theo ứng dụng khoa học công nghệ, hướng hữu cơ, tạo ra các sản phẩm chất lượng, nâng cao giá trị, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-o-phu-yen-SRko7dQ4g.html

Quàng Hưởng - Bóa Sơn La
Tin tức








Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN PHÙ YÊN

Cơ quan chủ quản: UBND huyện Phù Yên - Giấy phép xuất bản số:      /GP-TTĐT
Địa chỉ: Tiểu khu 4 - Thị trấn Phù Yên - Huyện Phù Yên - Tỉnh Sơn La
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Phan Quý Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện
Điện thoại: 02123.863.322 |  Mail: bbt.phuyen@sonla.gov.vn
Ghi rõ nguồn "https://phuyen.sonla.gov.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

 Chung nhan Tin Nhiem Mang