Mỗi vụ cam thu về 400-500 triệu
đồng là hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng cam đường canh, cam vinh trên đất đồi
của gia đình anh Nguyễn Văn Ngoạn, bản Văn Phúc Yên, xã Mường Thải. Đây là minh
chứng cho những nỗ lực và sự mạnh dạn của người dân trong việc khai thác tiềm
năng, thế mạnh của địa phương để làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Mặc dù, đây mới đang thời điểm đầu mùa cam, độ ngọt chưa được
đậm như vào chính vụ nhưng vườn cam của
gia đình anh Ngoạn đã thu hút các thương lái ở các tỉnh thành tìm đến để đặt và
mua cam bởi giá cả phải chăng và điều quan trọng đó là sản phẩm sạch, có trích
xuất nguồn gốc.

Cũng như bao hộ dân khác của xã Mường Thải, trước kia toàn
bộ 1,5ha đất đồi của gia đình anh Nguyễn Văn Ngoạn chỉ trồng 2 vụ ngô. Theo anh
Ngoạn, nếu cứ bám lấy cây ngô thì khó mà giàu được nên vợ chồng anh
bàn nhau và năm 2012, gia đình anh Ngoạn đã quyết định chuyển toàn bộ diện
tích trồng ngô hiện có của gia đình sang trồng cây ăn quả để hiệu quả kinh tế cao hơn. Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm của các chủ vườn đi
trước , chăm sóc thành công cây cam trên đất đồi, kết hợp với việc đúc rút kinh
nghiệm trong quá trình lao động sản xuất, đến nay vợ chồng anh Ngoạn đã làm chủ
được kỹ thuật chăm sóc cây cam trên đất
đồi. Điển hình như việc chăm sóc cây cam canh, gia đình anh Ngoạn sử dụng
kỹ thuật chặt rễ và đảo đất kết hợp với kỹ thuật khoanh gốc, bón phân hợp
lý đã giúp cho cam đơm hoa, kết trái sai trĩu cành. Không những vậy, mẫu mã và
chất lượng quả cam khi được trồng chăm sóc tốt trên đất đồi nơi đây lại cho vị
ngọt và thơm ngon hơn so với ở miền xuôi.
Nhờ có kỹ thuật chăm sóc tốt nên 4 năm
trở lại đây, đồi cam của gia đình anh Ngoạn luôn được mùa cho thu hoạch từ 20-30
tấn quả/vụ, giá trị thu về đạt từ 300-400 triệu đồng/năm. Điển hình
như năm 2018, vườn cam nhà anh Ngoạn cho sản lượng khoảng 25 tấn quả, trong đó
cam vinh 10 tấn, giá bán trung bình được 15.000 – 20.000 đồng/kg; cam đường canh
được 15 tấn quả, giá bán trung bình được 25.000-30.000 đồng/kg, tổng giá trị
thu về trên 500 triệu đồng. Đến vụ cam năm 2019, anh Ngoạn ước tính sẽ thu
hoạch khoảng 30 tấn quả, trong đó, trên 10 tấn cam vinh, còn lại là cam
đường canh. Hiện, cam vinh đang vào vụ được thu hoạch và được tiểu thương
ở Hà Nội, Hưng Yên đã đến thăm đặt mua cả vườn với giá chốt
15.000/kg.
Anh Nguyễn Văn Ngoạn, bản Văn Phúc Yên, xã Mường Thải, Phù Yên cho biết: Trước đây khu đất này gia đình tôi trồng lúa
ngô ngoai sắn nhưng không hiệu quả nên chuyển đổi sang cây ăn quả và thấy có
năng suất, tiến triển nên còn mảnh đất nào thì gia đình sẽ trồng tiếp và phát
huy thêm diện tích. Từ ngày phát triển cây ăn quả thì bà con chuyển đổi hết ngô
sắn sang cây ăn quả thì thấy hiệu quả và thu nhập kinh tế ổn định cho bà con,
cũng thấy mở mày mở mặt.
Với sự cần cù, chịu khó, biết áp dụng
kỹ thuật và mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay anh Nguyễn Văn
Ngoạn đã xây dựng được mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao cho gia đình và
làm giàu cho quê hương từ trồng cam, trở thành tấm gương tiêu biểu được bà con
tin tưởng học tập làm theo, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong sản xuất, góp phẩn
thực hiện chương trình đẩy mạnh phát triển cây cam theo hướng VietGap trên địa
bàn huyện Phù Yên.
Anh Hoàng Trọng Nghĩa, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Mường Thải,
Phù Yên: “Trước đây gia đình anh Nguyễn
Văn Ngoạn trồng ngô nhưng hiệu quả kinh tế không cao, bây giờ anh chuyển đổi cơ
cấu cấy trồng theo chủ trương chung của xã, huyện. Anh chủ động tìm cây giống
phù hợp. Mô hình này rất hiệu quả, là điển hình của bản, của xã. Hội nông dân
xã tiếp tục vận động hội viên học tập mô hình của gia đình anh Ngoạn”.
Mặc
dù đang trong niềm vui hưởng thành quả lao động sau năm lao động vất vả xong
anh Nguyễn Văn Ngoạn cũng như nhiều hộ trồng cam của xã Mường Thải vẫn còn đó
những trăn trở vì chỉ chừng 1-2 năm nữa thôi, những đồi cam ở đây sẽ đồng loạt
cho thu quả trong khi thị trường tiêu thụ hiện vẫn chủ yếu trên địa bàn tỉnh và
một số ít tiêu thụ ra ngoài tỉnh, nên thời gian tới rất cần có sự quan tâm của
huyện, của xã để mở rộng thị trường. Qua đó, giúp người dân yên tâm với nghề trồng
cam, đồng thời góp phần đưa thương hiệu cam Phù Yên ngày càng vươn xa./.
Tâm Hạnh – Bình Minh