image banner
Tiềm năng tiêu biểu về văn hóa-du lịch Phù Yên
Lượt xem: 2365
Lịch sử Di tích, Danh thắngTiềm năng tiêu biểu về văn hóa-du lịch Phù Yên

 

Tiềm năng tiêu biểu về văn hóa-du lịch Phù Yên

 

Huyện Phù Yên nằm ở phía Đông của tỉnh Sơn La, có diện tích tự nhiên trên 123.400 ha, với 27 xã, thị trấn và dân số khoảng 120.000 người gồm 5 dân tộc chính là Thái, Mường, Dao, Kinh và Mông. Huyện Phù Yên nằm trên trục Quốc lộ 37, cách Hà Nội 174 km, cách thành phố Sơn La 135 km. Phù Yên có địa hình đa dạng, vừa có núi cao, vừa có sông Đà. Là huyện giàu truyền thống văn hóa với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, có giá trị; trong đó, có 4 di tích lịc sử  văn hóa được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh, đó là đồn bản Mo xã Quang Huy, rừng bản Nhọt xã Gia Phù, hay còn gọi là “Rừng Ông Giáp”; đình Chu bản Chiềng  xã Quang Huy; Đèo lũng lô xã Mường Cơi. Về văn hóa phi vật thể có lễ hội xíp xí; lễ hội Mợi; lễ hội cấp sắc... Ngoài những giá trị đặc sắc về văn hóa, Phù Yên còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: Hồ Suối Chiếu, đồi thông Noong Cốp, hồ Noong Bua; rừng đại tướng Võ Nguyên Giáp; hồ sông Đà. Đây là những điều kiện thuận lợi, những tiểm năng để Phù Yên phát triển các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch tâm linh.

Thực hiện Nghị quyết số 08/ NQ-TW ngày 16/1/2017 của Bộ chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Phù Yên đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế- xã hội gắn với phát triển du lịch với mục tiêu: phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan và môi trường, đảm bảo ANTT; tạo động lực để thúc đẩy KT-XH phát triển.

Với tiềm năng và lợi thế cho thấy, bản Chiếu xã Mường Thải là điểm nổi bật để khai thác và phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng. Mặc dù chưa được đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng nhưng trên thực tê những năm qua, bản Chiếu đã thu hút khá đông khách du lịch đến thăm quan, tắm nước nóng, khám phá và trải nghiệm.

 1. Du lịch Hồ Suối Chiếu (xã Mường Thải)

Hồ suối Chiếu là một trong những cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, thoáng mát, có diện tích khoảng 31 ha. Mặt nước ổn định, thuận lợi cho giao thông đi lại giữa 2 bên bờ hồ; cung cấp nước tưới cho cánh đồng Mường Tấc, phát triển nuôi cá lồng, đánh bắt thủy sản, thăm quan, du lịch ngắm cảnh hồ. Cùng với đó là 50 phòng tắm nước nóng hai bên bờ hồ, đáp ứng khoảng 70 lượt du khách tắm cùng 1 lúc, một ngày có thể phục vụ vài trăm lượt khách.

(Mô hình nuôi cá lồng tại bản Suối Chiếu, xã Mường Thải, Phù Yên)

2. Rừng Ông Giáp

“Rừng Ông Giáp” thuộc bản Nhọt xã Gia Phù là di tích lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp, được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2008. “Rừng ông Giáp” hiện có diện tích khoảng 200 ha, được hình thành từ hai dãy núi bao bọc, cây cối xanh tốt, quanh năm mây phủ.

Không giống như nhiều khu rừng khác chỉ còn gỗ tạp, dây leo, khu rừng vẫn còn nguyên vẹn với những cây chò chỉ đại thụ to vài ba người ôm không xuể. Một góc khác là cây lát, dổi, sâng, sấu cổ thụ lâu năm, là những cây pơ mu cao hàng chót vót, thẳng đứng lẫn trong làn sương mờ ảo.

Ảnh nguồn internet

Ngoài ra, khu rừng còn có hàng trăm loại chim và loại hoa phong lan khác nhau. Một ngày trong “Rừng ông Giáp”, bạn không chỉ được sống lại những bước chân hành quân, tiếng hò dô kéo pháo hào hùng mà còn được thả hồn vào không gian trong lành của rừng nguyên sinh được bảo vệ bởi bàn tay và tấm lòng của bà con dân tộc Mường nơi đây. Khu rừng như ngôi “đền xanh” để người dân nơi đây ghi nhớ công lao của Đại tướng cùng với những chiến sĩ Điện Biên năm nào.

3. Di tích  lịch sử và văn hóa Đình Chu

Đình Chu là một trong những di tích có giá trị to lớn về mặt lịch sử và văn hóa. Đình Chu được chính thức xây dựng vào tháng 8 năm Tân Dậu 1921 và hoàn thành vào tháng 3 năm Nhâm Tuất 1922. Đây là nơi diễn ra các hoạt động thờ cúng và lễ hội dân gian của đồng bào vùng Mường Tấc, huyện Phù Yên. Sau nhiều năm, Đình bị phá hủy, năm 2017, huyện Phù Yên phục dựng lại Đình Chu tại bản Chiềng Hạ, xã Quang Huy.

Đây là khu trung tâm văn hóa tín ngưỡng độc đáo, nằm trong chương trình phát triển du lịch của huyện Phù Yên. Khu di tích lịch sử văn hóa Đình Chu được xây dựng sẽ phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa, tinh thần và đời sống tâm linh của nhân dân các dân tộc huyện Phù Yên. Tạo ra các hoạt động văn hóa sôi nổi, lành mạnh; cổ vũ, động viên, cán bộ, nhân dân thi đua học tập, lao động sản xuất. 

4. Du lịch sinh thái hồ sông Đà

Hồ sông Đà có diện tích trên 3.000 ha, thuộc địa phận các xã Tường Thượng, Tường Hạ, Tường Phong, Tường Tiến và Tân Phong, Nam Phong, Bắc Phong và Đá Đỏ của huyện Phù Yên. Hồ sông Đà có những đảo nhỏ nhấp nhô trên mặt nước mênh mông được tạo thành khi sông Đà bị ngăn lại. Hai bên bờ Sông Đà là những ngôi nhà sàn thấp thoáng của đồng bào dân tộc Mường. 

Mô hình nuôi cá lồng của thành viên HTX Thủy sản Bắc Phong, xã Bắc Phong (Phù Yên).

Với phong cảnh sơn thủy hữu tình, núi rừng thơ mộng hòa trong không gian văn hóa đa sắc màu, hồ sông Đà sẽ là điểm lý tưởng để khai thác du lịch sinh thái. Đi trên thuyền, từ lòng hồ, du khách có thể ngắm nhìn những dãy núi trùng điệp xung quanh, những con đường ven hồ xẻ dọc núi in hình dưới làn nước xanh biếc. Cảnh quan thiên nhiên sẽ là một trải nghiệm lý thú cho những ai ưa thích các hoạt động trải nghiệm như: trekking, thăm bản làng, khám phá các hang động nguyên sơ hay cùng người dân nuôi cá lồng cất vó, cho cá ăn.

Nằm trên địa bàn xã Quang Huy, tiếp giáp với các xã Huy Bắc, Suối Tọ và thị trấn Phù Yên, rừng thông Noong Cốp có diện tích hơn 1.300ha, với hàng vạn cây thông trên 30 năm tuổi, đây được coi là lá phổi xanh và là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của huyện Phù Yên.

Đến với rừng thông Noong Cốp, du khách có thể đi bộ khám phá, leo núi hoặc cắm trại giữa thiên nhiên. Ở đây có rất nhiều loại rau rừng được coi là đặc sản của Phù Yên, như rau sắng, lá xồm pon, măng tre, măng đắng, măng lay, nhiều loại nấm...

Không chỉ hòa mình với thiên nhiên, du khách còn được khám phá những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và thưởng thức những món ăn dân tộc độc đáo do chính bàn tay của những  “sơn nữ” chế biến. Được ví như rừng thông Đà Lạt, thiên nhiên thân thiện, con người hiếu khách, nét văn hóa dân tộc độc đáo, tất cả đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của khu du lịch rừng thông Noong Cốp, góp phần thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với Phù Yên  

Tin tức








Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
image banner