image banner
Chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Lượt xem: 14
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, huyện Yên Châu đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số, bước đầu đạt kết quả quan trọng trên cả 3 lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện phát triển bền vững.

 

Đoàn viên, thanh niên xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu cài đặt tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện Yên Châu ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện chuyển đổi số huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đưa công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số huyện, tổ giúp việc, ban hành quy chế hoạt động và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập các tổ chuyển đổi số cộng đồng.

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Xác định chuyển đổi số là động lực phát triển, huyện triển khai nhiều nhiệm vụ liên quan đến tăng cường quản lý công nghệ thông tin, cải cách hành chính. Đặc biệt, đẩy mạnh truyền thông về chuyển đổi số bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú giúp người dân, doanh nghiệp nhận thấy những tiện ích do chuyển đổi số mang lại, từ đó tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số ở địa phương.

Phát triển chính quyền số, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai quy trình xử lý văn bản hoàn toàn trên môi trường mạng, duy trì sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản điều hành VNPT-ioffice, hộp thư điện tử công vụ; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến 3 cấp tỉnh - huyện - xã, hệ thống phần mềm một cửa điện tử cấp huyện, xã, cổng thông tin điện tử. Duy trì thực hiện phần mềm một cửa điện tử tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, với các lĩnh vực: Tư pháp hộ tịch; đăng ký kinh doanh; tài nguyên môi trường; văn hóa, thông tin, lao động, thương binh - xã hội, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, nội vụ.

Đến nay, UBND huyện triển khai 228 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia của huyện đạt trên 80%. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn phủ rộng mạng cáp quang, mạng di động băng thông rộng, tạo môi trường thuận lợi trong chuyển đổi số. 15/15 xã, thị trấn có hạ tầng băng rộng cáp quang và triển khai mạng di động 4G; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh chiếm 83,2%.

Phát triển kinh tế số, huyện đã hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cập nhật và triển khai hóa đơn điện tử; đến nay, 100% số doanh nghiệp trên địa bàn đều sử dụng hóa đơn điện tử nộp thuế. Phối hợp với các sở, ngành, hỗ trợ các HTX, hộ sản xuất tiếp cận, nâng cao kỹ năng, nắm được quy trình tham gia quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên kênh thương mại điện tử. Từ năm 2022 đến nay, huyện phối hợp tổ chức 5 hội nghị tập huấn về thương mại điện tử; cung cấp những kiến thức cơ bản về thương mại điện tử, quy trình tham gia quảng bá, giới thiệu bán hàng trên nền tảng số đa kênh, như tiktok, zalo, facebook... Hiện nay, huyện đã có gần 10 mặt hàng nông sản, 7 sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến.

Chị Bùi Phương Thanh, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp bản địa Noọng Piêu, xã Phiêng Khoài chia sẻ: HTX chủ yếu trồng mận hậu, tạo dựng thương hiệu “mận Ruby”. Sau khi tham gia lớp tập huấn về kỹ năng bán hàng online, HTX đã quay phát trực tiếp lên facebook hình ảnh những trái mận chín đỏ trong vườn, nhiều khách hàng hào hứng, thích thú theo dõi, mời thêm bạn bè vào bình luận, đặt mua. Cao điểm, trung bình HTX chốt 200 đơn hàng/ngày, tương đương hơn 1 tấn mận hậu qua hình thức livestream. Từ đây, nhiều khách hàng biết đến sản phẩm mận hậu Phiêng Khoài.

Điểm nhấn trong xây dựng xã hội số trên địa bàn huyện Yên Châu là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, y tế, như triển khai việc dạy và học trực tuyến, phê duyệt giáo án điện tử trong dạy và học; sử dụng ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong khám chữa bệnh... Nhiều nhóm dịch vụ công, như điện, nước, chi trả dịch vụ an sinh xã hội đã triển khai thanh toán bằng các phương thức điện tử, không dùng tiền mặt.

Trường THCS Chiềng Hặc, huyện Yên Châu có 25 cán bộ, giáo viên, trên 400 học sinh đang theo học ở 4 khối lớp. Trước đây, quản lý học sinh, giáo viên phải sử dụng phiếu báo giảng, sổ liên lạc, nay tất cả mọi việc nằm gọn trong ứng dụng VnEdu. Ông Trần Văn Hoan, Hiệu trưởng, cho biết: Ứng dụng các phần mềm có nhiều tính năng nổi trội như điểm danh, thời khóa biểu, danh bạ, trò chuyện, giáo viên cũng đỡ vất vả làm sổ sách, phụ huynh theo dõi được kết quả học tập của con em mình. Ngoài ra, việc thanh toán tiền học, các khoản đóng góp cho nhà trường cũng liên kết internet banking rất tiện lợi.

Đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số toàn diện, huyện Yên Châu tiếp tục triển khai các giải pháp xây dựng, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

https://baosonla.org.vn/chuyen-doi-so-tinh-son-la-giai-doan-2021-2025-dinh-huong-den-nam-2030/chuyen-doi-so-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-0ajISpcIg.html

Bài, ảnh: Thanh Huyền
Tin tức








Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN PHÙ YÊN

Cơ quan chủ quản: UBND huyện Phù Yên - Giấy phép xuất bản số:      /GP-TTĐT
Địa chỉ: Tiểu khu 4 - Thị trấn Phù Yên - Huyện Phù Yên - Tỉnh Sơn La
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Phan Quý Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện
Điện thoại: 02123.863.322 |  Mail: bbt.phuyen@sonla.gov.vn
Ghi rõ nguồn "https://phuyen.sonla.gov.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

 Chung nhan Tin Nhiem Mang