image banner
Dân vẫn “chờ” đường ở vùng cao Phù Yên
Lượt xem: 206
Về huyện Phù Yên (Sơn La) lần này, chúng tôi được bà con các xã vùng cao, vùng hồ sông Đà của huyện Phù Yên than phiền về sự xuống cấp nghiêm trọng của những tuyến đường tỉnh, đường liên xã, nhất là các tuyến: Tường Tiến - Kim Bon - Đá Đỏ; Vạn Yên - Bắc Phong - Đá Đỏ; QL37 - Suối Bau - Sập Xa.

Để hiểu rõ thực trạng, chúng tôi quyết định một chuyến vượt dốc từ Tường Tiến theo đường tỉnh lộ 114 lên vùng cao Kim Bon (PhùYên). Con đường từ trung tâm xã Tường Tiến đến trung tâm xã Kim Bon dài chưa đầy 15km lổn nhổn đá và những sống trâu, ổ voi do nền đường đất bị lún và sạt trượt. Chiếc xe gầm cao chuyên đi cơ sở của UBND huyện đưa chúng tôi lên Kim Bon cứ rồ ga, gầm rú, quăng quật mãi cũng chỉ bò lên được nửa đường đành phải quay lại. Anh Sồng A Mua, bản Suối Pa, xã Kim Bon, than phiền: “Chúng tôi làm ra nông sản không biết bán cho ai, có bán được cũng bị tư thương ép giá. Mùa khô xuống huyện chủ yếu đi bộ, xe máy đi về bị hỏng luôn; mùa mưa đành chịu, nhà có gì ăn đấy thôi, không xuống huyện đi chợ trao đổi hàng hóa được. Mong Nhà nước sớm đầu tư tuyến đường này để bà con đi lại thuận lợi hơn”. Còn anh Hà Văn Soái, lái xe tải, quê ở bản Đông, xã Tường Phù thì bức xúc: “Tôi lái xe tải chạy tuyến này đã hơn 4 năm nay rồi, chưa thấy đường nào khó khăn khổ ải như thế. Xe chạy 1 ngày, phải sửa chữa 2 ngày, bởi đường xấu, hỏng hóc thường xuyên toàn những sự cố bất khả kháng”.

Tiếp tục hành trình, chúng tôi theo tuyến giao thông liên xã vùng hồ sông Đà thủy điện Hòa Bình từ Vạn Yên - Bắc Phong - Đá Đỏ, dài hơn 38 km được đầu tư xây dựng từđầu năm 2001. Riêng đoạn Vạn Yên - Bắc Phong, cuối năm 2010, UBND tỉnh đã  phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường này với tổng mức đầu tư dự án được duyệt hơn 118 tỉ700 triệu đồng. Thế nhưng, qua gần 4 năm triển khai, đến nay công trình mới mở rộng mặt đường, cắt cua được khoảng hơn 13 km, trong đó có gần 2,5 km được rải nhựa? Còn lại vẫn là đường đất, sau mùa mưa vừa qua nay đã bị rửa trôi thành những khe suối với những ổ voi, vũng đất lầy. Theo đánh giá của chủ đầu tư, thì tiến độ thực hiện đầu tư dự án là rất chậm, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chính là do không có vốn để đầu tư, dẫn đến doanh nghiệp thì chờ vốn, công nhân chờ việc làm, còn nhân dân ở dọc tuyến này thì đang chờ... đường đi, biết đến bao giờ mới hoàn thành? Bà con qua đường này bằng xe máy đều phải về số 1, chân thường xuyên trong tư thế chống đất để vượt qua những vũng lầy liên tiếp…

Tuyến đường Tường Tiến, Kim Bon bị sạt trượt

Tiếp xúc với lãnh đạo xã Bắc Phong được biết, do giao thông đi lại khó khăn, nên hầu hết bà con đi lại bằng thuyền, mùa nước cạn thì bà con đi bộ, cán bộ ở các bản về làm việc tại xã nhiều ngày phải  ở lại “bán trú bất đắc dĩ” tại trung tâm xã. Nhưng tội nghiệp nhất vẫn là các cháu học sinh ở các bản Bó Vả, Bưa Đa, Bắc Băn, do đường xấu không đi nổi xe đạp, ngày 2 buổi đều đặn phải đi bộ gần 4 km về trung tâm xã để theo học THCS. Tại xã Đá Đỏ, được nghe kể nhiều chuyện về cuộc sống khó khăn của bà con vùng hồ khi giao thông bị đình trệ, nào là đường bộ vào mùa mưa thường xuyên bị ách tắc, xe máy đi lại các bản trong xã còn không kham nổi, huống chi có việc về phố huyện, nhất là bà con gặp ốm đau cần đưa về các bệnh viện thật là nan giải. Nào là mùa mưa, có tháng không họp nổi một chợ phiên, bởi tàu chợ không lên được, dẫn đến giá cả bấp bênh, hàng hóa nông sản, thủy sản bà con làm ra đều ế ẩm. Cán bộ xã Đá Đỏ có việc đi họp gấp trên huyện, không cho xe máy lên thuyền xuôi dòng, thì vòng ngược lên qua xã Sập Xa (vì đoạn Đá Đỏ - Sập Xa dài hơn 10 km nay vẫn chưa được thiết kế thi công), rồi bám theo đường thủy điện Suối Sập 3 thuộc xã Phiêng Ban (Bắc Yên) rẽ vào theo quốc lộ 37 xuôi về huyện. Còn ở xã Sập Xa, bà con than phiền rằng, năm nào xã cũng ra quân làm đường giao thông nông thôn, huy động hàng trăm ngày công để cào bới, san lấp, vận chuyển hàng trăm mét khối đất đá để sửa đường đi lại, nhưng chỉ cần một cơn mưa thôi đã cuốn phăng tất cả, đường mới sửa trở lại thành suối, thành khe, không thể qua lại được.

Ông Đặng Ngọc Quang, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên cho biết: “Huyện có 226 km đường tỉnh, đường liên xã do huyện quản lý, chủ yếu là đường đất, đường đi lại được 4 mùa chỉ khoảng 31 km, còn lại trên 195 km là đường đất, đi lại khó khăn. Bằng nguồn lực của huyện và huy động xã hội hóa, hằng năm đều tập trung duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, nhưng chưa đạt như mong muốn, sau một mùa mưa, đường đã hỏng trở lại...”.

Mong rằng các cơ quan chức năng sớm có giải pháp đầu tư hợp lý, để bà con vùng hồ sông Đà thủy điện Hòa Bình nói chung, đồng bào dân tộc các xã trên tuyến giao thông Tường Tiến - Kim Bon – Đá Đỏ; Vạn Yên - Bắc Phong - Đá Đỏ; QL27 - Suối Bau - Sập Xa, sớm có đường giao thông đi lại thuận tiện, đảm bảo lưu thông trao đổi hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội. 

Anh Đức

Tin tức








Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN PHÙ YÊN

Cơ quan chủ quản: UBND huyện Phù Yên - Giấy phép xuất bản số:      /GP-TTĐT
Địa chỉ: Tiểu khu 4 - Thị trấn Phù Yên - Huyện Phù Yên - Tỉnh Sơn La
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Phan Quý Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện
Điện thoại: 02123.863.322 |  Mail: bbt.phuyen@sonla.gov.vn
Ghi rõ nguồn "https://phuyen.sonla.gov.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

 Chung nhan Tin Nhiem Mang