image banner
Giới thiệu về huyện Phù Yên
Lượt xem: 338
Huyện Phù Yên nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Sơn La, nằm trên trục quốc lộ 37 và 43, cách Hà Nội 174 km, cách thành phố Sơn La 135 km. Phía tây giáp với huyện Bắc Yên, phía nam giáp với huyện Mộc Châu, phía đông nam giáp với huyện Đà Bắc (Hòa Bình), phía đông giáp huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), phía đông bắc giáp với huyện Tân Sơn (Phú Thọ), phía bắc giáp với huyện Văn Chấn (Yên Bái). Trung tâm huyện Phù Yên là cánh đồng Mường Tấc (cánh đồng rộng thứ 4 ở Tây Bắc, với hơn 1.600 ha). Toàn huyện có 123.655 ha diện tích tự nhiên, trong đó có hơn 6.496 ha đất nông nghiệp; 59.493 ha đất lâm nghiệp; 40.497 ha đất chưa khai thác. Huyện Phù Yên có 27 đơn vị hành chính, bao gồm 01 thị trấn là thị trấn Phù Yên và 26 đơn vị hành chính cấp xã là các xã: Tân Phong, Tường Phong, Tường Hạ, Tường Thượng, Tường Phù, Huy Tường, Huy Tân, Gia Phù, Huy Bắc, Tường Tiến, Quang Huy, Mường Cơi, Huy Thượng, Huy Hạ, Tân Lang, Nam Phong, Bắc Phong, Đá Đỏ, Sập Sa, Kim Bon, Suối Bau, Suối Tọ, Mường Thải, Mường Lang, Mường Do, Mường Bang. Trong đó có 11 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn nằm trong Chương trình 135 giai đoạn II của Chính phủ, là các xã: Nam Phong, Bắc Phong, Đá Đỏ, Sập Sa, Kim Bon, Suối Bau, Suối Tọ, Mường Thải, Mường Lang, Mường Do, Mường Bang. Dân số toàn huyện năm 2013 là 124.901 người...
Những năm gần đây, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII đã đề ra, mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng nền kinh tế của huyện Phù Yên vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân từ 14-15%/năm; kinh tế - xã hội có bước chuyển biến sâu sắc, phát triển đi lên, năng động và hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Chỉ tính riêng 3 năm trở lại đây, kinh tế của huyện đạt tốc độ tăng trưởng khá, bình quân đạt 16%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; tỷ trọng nông lâm nghiệp giảm từ 39% xuống còn 33,5%, công nghiệp xây dựng tăng từ 25% lên 28%; thương mại dịch vụ tăng từ 36% lên 38,5%. Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2013 ước trên 15 triệu đồng/người/năm. Sản xuất nông lâm nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, diện tích cây lương thực năm 2013 đạt 21.633 ha, sản lượng ước đạt 77,54 nghìn tấn. Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, tổng đàn đại gia súc đạt 107.000 con, đàn gia cầm 650.000 con, duy trì 600 đàn ong, 162 lồng bè cá. Quản lý bảo vệ tốt 51.934,80 ha rừng hiện còn, trồng mới 300 ha rừng.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án đầu tư vào địa bàn. 5 năm gần đây, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 4.280 tỷ đồng;; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, có điện thoại và điện lưới quốc gia. Đến nay, trên địa bàn huyện có 183 công trình thủy lợi, 2 hồ chứa, 68 công trình đập xây, 118 km kênh mương, đảm bảo tưới tiêu phuc vụ sản xuất; 26/26 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 293/303 bản có đường ô tô đến bản; hệ thống điện lưới, nước sinh hoạt đảm bảo phục vụ cho trên 89% dân số ở nông thôn được hưởng lợi. Thực hiện có hiệu quả dự án đầu tư ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội vùng di chuyển lòng hồ Sông Đà theo Quyết định 1382/QĐ-TTg; Quyết định 1460/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục rà soát, sắp xếp nơi ở, địa bàn sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, ổn định dân cư lâu dài cho 203 hộ dân tại các điểm tái định cư. Bốn tiểu vùng kinh tế của huyện (gồm vùng trọng điểm lúa; vùng Mường; vùng cao và vùng hồ sông Đà) tiếp tục được đầu tư hợp lý theo hướng khai thác và phát huy lợi thế, gắn với chiến lược lâu dài, bước đầu đã đạt kết quả tích cực.
Văn hoá, giáo dục và đào tạo, y tế, thể dục thể thao, khoa học công nghệ, xoá đói giảm nghèo đều đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện. Duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục và 6 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia; 10 xã đạt chuẩn y tế Quốc gia. Các giá trị văn hoá được bảo tồn, phát triển; phong trào văn hoá, thể thao, xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư được duy trì, nâng lên. Đến nay, toàn huyện có 61% đơn vị được công nhận danh hiệu văn hóa; 66% gia đình văn hoá; 22% gia đình thể thao... Đào tạo nghề, dạy nghề ước 1,2 nghìn người/năm, giải quyết việc làm 2,5 nghìn người/năm; xoá nhà tạm 2.034 hộ; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 34,33% năm 2010 xuống còn 23,3% năm 2013. Thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng chính sách xã hội. Công tác đấu tranh phòng chống ma tuý được triển khai hiệu quả, toàn huyện có 92 đơn vị đạt và cơ bản đạt “4 không” về ma túy. Quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được duy trì, thế trận quốc phòng an ninh được củng cố; quan hệ đối ngoại được tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng có bước tiến bộ rõ rệt trên các mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng có sự chuyển biến tích cực. Hàng năm có trên 80% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh, trên 99% đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ.
Thực hiện các nhiệm vụ cấp bách giai đoạn 2010-2015 mà trọng tâm là lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội của huyện tầm nhìn đến năm 2020. Đến nay, huyện đã tập trung làm tốt quy hoạch phát triển sản xuất hàng hóa tập trung như: lúa, tỏi chất lượng cao gắn với thương hiệu Phù Yên tại vùng trọng điểm lúa; quy hoạch phát triển cây chè cổ thụ, cây ăn quả có múi đặc sản tại các xã vùng Mường; phát triển nguồn lợi thủy sản tại các xã vùng hồ sông Đà và các hồ thủy lợi; quy hoạch phát triển khu dân cư gắn với quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái và giữ gìn bản sắc dân tộc...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn bộ lộ những khó khăn, thách thức, cần được quan tâm tháo gỡ trong thời gian tới, nhất là sản xuất nông nghiệp chưa bền vững; trình độ dân trí không đồng đều; giao thông đi lại tại các xã vùng cao còn nhiều khó khăn, nhất là mùa mưa; các tai tệ nạn xã hội còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp; công tác sắp xếp, ổn định đời sống dân cư vùng di dân thủy điện Hoà Bình còn nhiều vấn đề mới phát sinh…
Để sớm đưa huyện Phù Yên thoát nghèo và từng bước vươn lên trở thành huyện phát triển khá trong tỉnh, huyện vẫn xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và đã lựa chọn 3 khâu đột phá đó là: phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và đô thị với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong đó, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; thâm canh tăng vụ, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, các mô hình kinh tế trang trại, vườn đồi; đưa giống lúa chất lượng cao vào thâm canh trên cánh đồng Mường Tấc; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hoá như gạo Mường Tấc, tỏi Gia Phù, cam Mường Thải, quýt Mường Cơi, chè cổ thụ Mường Do. Khuyến khích nhân dân, nhân là các xã vùng cao phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung; tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng, đưa kinh tế rừng trở thành kinh tế mũi nhọn gắn với du lịch sinh thái; ưu tiên phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tập trung hình thành các cụm công nghiệp Gia Phù, Quang Huy; tạo điều kiện thuận lợi mở rộng khu công nghiệp giầy da; thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển làng nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đối với khu vực thị trấn và thị tứ, tiếp tục đầu tư nâng cấp, xây dựng khu đô thị mới gắn liền với việc mở rộng thị trấn và thị tứ Mường Cơi và Gia Phù. Đặc biệt các khu đô thị mới chú trọng xây dựng khu vui chơi giải trí, phúc lợi công cộng, trong đó nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm vui chơi giải trí Hồ Noong Bua, công viên 2-9, công viên xí nghiệp giầy…
Thời gian tới huyện Phù Yên tiếp tục tăng cường sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phấn đấu cơ cấu kinh tế chuyển mạnh theo hướng hàng hóa, mức tăng trưởng kinh tế bình quân đến 2015 đạt 15-16% năm; thu nhập bình quân đến 20 triệu đồng/người/năm. Tổng sản lượng lương thực có hạt trên 70.000 tấn/năm; tổng đàn gia súc 110.000 con, gia cầm 700.000 con. Tỷ lệ che phủ rừng năm đến 2015 đạt 45%.. Thu ngân sách địa phương trên 60 tỷ đồng; dự kiến tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 21%; có 10 trường, 15 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 90% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt và được xem truyền hình; 98% hộ gia đình, 100% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 100% bản, tiểu khu có đội văn nghệ, câu lạc bộ thể thao, 80% số bản có nhà văn hóa; Đồng thời, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Với bề dày truyền thống hơn 60 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, sự đoàn kết nỗ lực của nhân dân, trên cơ sở những định hướng phát triển đúng đắn, phù hợp được nhân dân đồng tình ủng hộ, cùng những giải pháp cụ thể, sát thực tiễn, huyện Phù Yên đã và sẽ làm phấn đấu đưa huyện Phù Yên sớm thoát nghèo và vươn lên, trở thành huyện phát triển khá của tỉnh./.
Đặng Ngọc Quang
                                       Nguyên Chủ tịch UBND huyện Phù Yên
Tin tức








Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN PHÙ YÊN

Cơ quan chủ quản: UBND huyện Phù Yên - Giấy phép xuất bản số:      /GP-TTĐT
Địa chỉ: Tiểu khu 4 - Thị trấn Phù Yên - Huyện Phù Yên - Tỉnh Sơn La
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Phan Quý Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện
Điện thoại: 02123.863.322 |  Mail: bbt.phuyen@sonla.gov.vn
Ghi rõ nguồn "https://phuyen.sonla.gov.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

 Chung nhan Tin Nhiem Mang