image banner
Giới thiệu về Phù Yên
Lượt xem: 361
Huyện Phù Yên nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Sơn La, có diện tích tự nhiên 123.655 ha, chiếm 8,7% tổng diện tích toàn tỉnh; phía bắc giáp tỉnh Yên Bái, phía đông giáp tỉnh Phú Thọ, phía đông – nam giáp tỉnh Hòa Bình, phía nam giáp huyện Mộc Châu (Sơn La) và huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), phía tây giáp huyện Bắc Yên (Sơn La), cách thành phố Sơn La 120 km, cách Thủ đô Hà Nội 180 km. Địa hình Phù Yên rất phức tạp, núi rừng trùng điệp, hiểm trở, có những dãy núi cao, dải núi phía bắc chạy dài từ Tây Bắc đến Đông Nam qua các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu là một phần của dãy Hoàng Liên Sơn, có độ dốc lớn, hợp cùng một mảng phụ lưu sông Đà tạo nên cách đồng Mường Tấc, lớn thứ 4 vùng Tây Bắc (Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc).
web
Huyện Phù Yên là một vùng đất có con người đến cư trú từ rất sớm trong lịch sử dân tộc. Thời Văn Lang, Vua Hùng chia nước thành 15 Bộ, Phù Yên thuộc bộ Tân Hưng. Đến thời Lý (thế kỷ XI), Phù Yên thuộc đất Châu Đằng; thời nhà Trần (Thế kỷ XIII), Phù Yên thuộc đạo Đà Giang. Tháng 4 năm Đinh Sửu (1397), Hồ Quý Ly đổi đạo Đà Giang thành trấn Thiên Hưng. Thế kỷ thứ XV, sau khi đánh thắng quân Minh, Triều đình nhà Lê thành lập xứ Hưng Hóa (hay còn gọi Hưng Hóa thừa tuyên). Vua Lê Thái Tổ cùng các tướng lĩnh lên vùng biên ải phủ An Tây (Lai Châu ngày nay) để dẹp cuộc bạo loạn của Đèo Cát Hãn chống lại triều đình. Sau khi dẹp loạn, trên đường xuôi thuyền theo sông Đà trở về kinh thành, đến gần bến Vạn, nhà vua ngự giá nghỉ chân và chiêm ngưỡng cảnh sông nước hữu tình của vùng sông Đà, đã cảm tác làm một bài thơ bát cú và sai khắc trên vách đá. Bài thơ ca ngợi cảnh thiên nhiên hùng vĩ, núi non hiểm trở và đánh giá vị trí chiến lược phên dậu của dải đất miền Tây Bắc Tổ quốc.  Nhà vua ra chiếu chỉ chính thức đặt tên vùng này là Phù Hoa (mảnh đất đẹp và trù phú).
Năm 1463, nhà Lê đổi xứ thành trấn. Trấn Hưng Hóa có 3 phủ là Gia Hưng, Quy Hóa và An Tây. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, phủ Gia Hưng có một huyện là Thanh Xuyên (Thanh Sơn) và 5 châu: Châu Mai (Mai Châu tỉnh Hòa Bình ngày nay); Châu Việt (Yên Châu), Châu Mộc, Châu Thuận và Châu Phù Hoa. Châu Phù Hoa lúc đó có 3 tổng là: Mường Tấc, Mường Pùa, Mường Muống (còn gọi là Tam tổng quy nhất châu). Năm Thiệu trị thứ nhất (1841) châu Phù Hoa được đổi thành châu Phù Yên (bao gồm cả Bắc Yên ngày nay). Từ đó đến nay địa danh Phù Yên không thay đổi.
Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, châu Phù Yên được chia thành 5 Mường phìa, đó là: Mường phìa Quang Huy (Mường Tấc), Mường phìa Tường Phù (Mườn Pùa), Mường phìa Tường Phong (Mường Muống); Mường phìa Tân Phong và Mường phìa Gia Phù.
Sau chiến dịch giải phóng Tây Bắc, để thuận tiện cho việc chỉ đạo phong trào cách mạng ở cơ sở, trong các năm 1953, 1954 tỉnh Sơn La chủ trương chia các xã lớn thành các xã nhỏ, toàn huyện Phù Yên được chia thành 31 xã và 01 thị trấn Vạn Yên. (Các xã bao gồm: Quang Huy, Huy Thượng, Huy Hạ, Huy Bắc, Mường Cơi, Mường Thải, Mường Do, Mường Lang, Mường Bang, Tường Phù, Gia Phù, Tường Thượng, Tường Hạ, Tường Phong, Tường Tiến, Tân Phong, Nam Phong, Bắc Phong, Đá Đỏ, Quang Minh, Phiêng Ban, Song Pe, Pắc Ngà, Chim Vàn, Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Kim Bon, Suối Bau, Suối Tọ).
Ngày 07.5.1955, khu tự trị Thái – Mèo được thành lập theo Sắc lệnh số 230-SL ngày 29.4.1954 của Chính phủ, bỏ đơn vị hành chính cấp tỉnh, các huyện đổi thành châu. Châu Phù Yên trực thuộc Khu Tự trị. Ngày 27.10.1962, Quốc hội khóa II, kỳ họp thứ 5 đổi tên Khu tự trị Thái – Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc; đồng thời tái lập 2 tỉnh Sơn La, Lai Châu và thành lập mới tỉnh Nghĩa Lộ. Huyện Phù Yên cùng các huyện Văn Chấn, Than Uyên, Mù Cang Chải thuộc tỉnh Nghĩa Lộ. Ngày 17.8.1964, Chính phủ quyết định tách 08 xã của huyện Phù Yên (Các xã bao gồm: Phiêng Ban, Song Pe, Pắc Ngà, Chim Vàn, Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú) thành lập mới huyện Bắc Yên. Năm 1975, Chính phủ quyết định bỏ cấp Khu tự trị trong hệ thống hành chính. Các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và 5 huyện (Than Uyên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Thị xã Nghĩa Lộ) của tỉnh Nghĩa Lộ hợp nhất thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Hai huyện Phù Yên, Bắc Yên của tỉnh Nghĩa Lộ sáp nhập về tỉnh Sơn La. Ngày 29.3.1977, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng ra Quyết định số 80-BT/TTg thành lập thị trấn Phù Yên và giải thể thị trấn Vạn Yên.
Huyện Phù Yên nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Sơn La, có diện tích tự nhiên 123.655 ha, chiếm 8,7% tổng diện tích toàn tỉnh; phía bắc giáp tỉnh Yên Bái, phía đông giáp tỉnh Phú Thọ, phía đông – nam giáp tỉnh Hòa Bình, phía nam giáp huyện Mộc Châu (Sơn La) và huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), phía tây giáp huyện Bắc Yên (Sơn La), cách thành phố Sơn La 120 km, cách Thủ đô Hà Nội 180 km. Địa hình Phù Yên rất phức tạp, núi rừng trùng điệp, hiểm trở, có những dãy núi cao, dải núi phía bắc chạy dài từ Tây Bắc đến Đông Nam qua các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu là một phần của dãy Hoàng Liên Sơn, có độ dốc lớn, hợp cùng một mảng phụ lưu sông Đà tạo nên cách đồng Mường Tấc, lớn thứ 4 vùng Tây Bắc (Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc).
Về đơn vị hành chính, huyện được chia làm 27 đơn vị, trong đó bao gồm 01 thị trấn và 26 xã với tổng số 320 bản, khối phố. Tính đến ngày 31.12.2016, dân số toàn huyện 120.312 người, gồm 7 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống (Mường, Thái, Kinh, Mông, Dao, Hoa, Tày). Trong đó: dân tộc Mường: 40,4%; dân tộc Thái: 28,1%; dân tộc Kinh: 9,98%; dân tộc Mông 15%; dân tộc Dao 6,2%; dân tộc Hoa: 0,02%; dân tộc Tày: 0,11%; các dân tộc khác:  0,19%. Các dân tộc huyện Phù Yên đã sáng tạo nên nền văn hóa độc đáo và phong phú. Từ các tác phẩm văn học dân gian, ca dao, tục ngữ nổi tiếng của người Thái, người Mường, các điệu múa xòe của dân tộc Thái, múa chuông dân tộc Dao, múa khèn dân tộc Mông đến các điệu đang, khắp với nhiều loại hình như hát ru, hát đối, hát giao duyên, hát bên mâm rượu, mừng nhà mới, mừng con cháu, dựng vợ, gả chồng… Các lễ hội dân gian truyền thống của các dân tộc như: Lễ hội Mợi (dân tộc Mường), Lễ hội Xên một (Xòe lẩu nó – dân tộc Thái), Lễ hội cầu mùa (dân tộc Mông), Lễ hội dòng họ Tu Su (dân tộc Mông), Lễ hội lập tịch (Lễ cấp sắc – dân tộc Dao)… đều mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Về nghệ thuật tạo hình được thể hiện trên trang phục của các dân tộc: dệt thổ cẩm của dân tộc Thái, Mường, thêu vẽ hoa văn của người dân tộc Mông, Dao… và đặc biệt người Thái ở Phù Yên có chữ viết từ lâu đời.
Trong quá trình dựng nước và giữ nước, các dân tộc huyện Phù Yên luôn kề vai sát cánh cùng quân và dân cả nước chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, đồng thời năng động, sáng tạo phát triển kinh tế xã hội, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần bổ sung vào kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam./.
Tin tức








Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN PHÙ YÊN

Cơ quan chủ quản: UBND huyện Phù Yên - Giấy phép xuất bản số:      /GP-TTĐT
Địa chỉ: Tiểu khu 4 - Thị trấn Phù Yên - Huyện Phù Yên - Tỉnh Sơn La
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Phan Quý Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện
Điện thoại: 02123.863.322 |  Mail: bbt.phuyen@sonla.gov.vn
Ghi rõ nguồn "https://phuyen.sonla.gov.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

 Chung nhan Tin Nhiem Mang