image banner
Nhiều giải pháp nâng cao đời sống người dân
Lượt xem: 157
Xác định nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo là một trong những nội dung quan trọng, góp phần thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện Phù Yên đã triển khai nhiều giải pháp, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo.


Ca sản xuất của công nhân Nhà máy may Phù Yên.

             

Là địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, Đảng bộ huyện Phù Yên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, phát huy tiềm năng, lợi thế của các tiểu vùng. Huy động khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng cây trồng... Nhằm, khai thác hiệu quả tiềm năng, huyện Phù Yên đã chia thành bốn tiểu vùng kinh tế, phát triển hợp lý các ngành nghề. Trong đó, 6 xã vùng Mường tập trung trồng cây ăn quả, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm gắn với chuỗi giá trị hàng hóa; phát triển chăn nuôi đại gia súc, khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Thị trấn và 9 xã khu vực cánh đồng Mường Tấc thâm canh lúa nước chất lượng cao theo hướng canh tác hữu cơ; hình thành vùng sản xuất gạo Mường Tấc; tỏi khu vực Gia Phù, Tường Phù; rau, củ, quả ở Huy Bắc, Huy Tân. Đồng thời, mở rộng và phát triển cụm công nghiệp Gia Phù, Quang Huy; xây dựng, phát triển thương mại dịch vụ và du lịch. 9 xã thuộc vùng hồ Sông Đà phát huy lợi thế lòng hồ, phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt và hình thành các HTX nuôi thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phát triển chăn nuôi gắn với trồng cỏ, bảo vệ rừng tái sinh, trồng rừng, phát triển cây ăn quả; mở rộng dịch vụ du lịch, vận tải đường sông. 3 xã vùng cao tập trung trồng rừng, bảo vệ rừng; canh tác ruộng bậc thang, khai hoang ruộng nước, phát triển chăn nuôi đại gia súc...

             

Trên cơ sở phân chia thành các tiểu vùng kinh tế, nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp được thành lập, xây dựng các mô hình kinh tế gắn với chuỗi sản phẩm OCOP; từng bước giảm diện tích cây lương thực kém hiệu quả, cải tạo vườn tạp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nổi bật, là việc triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi cây trồng trên đất dốc giai đoạn 2017-2020, toàn huyện hiện có hơn 2.800 ha trồng cây ăn quả; trong đó cây cam được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Cam Phù Yên”. Huyện phối hợp với Học viện Công nghệ xanh, Hiệp hội hữu cơ Việt Nam và các Công ty triển khai trồng 150 ha lúa hướng hữu cơ trên cánh đồng Mường Tắc gắn liên kết chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện đã khai thác hiệu quả hơn 3.000 ha mặt nước hồ thủy điện Hòa Bình và các hồ thủy lợi để phát triển nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản. Hiện, trên địa bàn toàn huyện có 767 lồng cá, sản lượng đạt 1.100 tấn/năm. Chương trình phát triển chăn nuôi được chú trọng với hơn 112 nghìn con gia súc, trên 800 nghìn con gia cầm; huyện đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ con giống theo Chương trình 30a, giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Đến nay, đã xây dựng được 6 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, gồm 5 chuỗi lĩnh vực trồng trọt và 1 chuỗi chăn nuôi. Để khuyến khích người dân liên kết phát triển sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm huyện đã tuyên truyền, vận động người dân thành lập được 23 HTX nông nghiệp... 

             

Công tác giảm nghèo, giảm nghèo bền vững được quan tâm, huyện đã triển khai hiệu quả lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ người nghèo; đẩy mạnh phong trào giúp nhau làm kinh tế, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, kỹ thuật, kiến thức quản lý kinh doanh, lao động; hỗ trợ cây, con giống, phát triển sản xuất, kinh doanh... Từ năm 2015 đến nay, đã giải quyết việc làm cho hơn 14.700 người, hiện có trên 14.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Từ những giải pháp hiệu quả, thiết thực đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng lên đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 29,91% năm 2015 xuống còn 15,5% năm 2020. Tháng 3/2018, huyện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là huyện thoát nghèo. Đời sống của người dân được nâng lên đã góp phần tích cực vào kết quả chương trình xây dựng NTM trên địa bàn. Đến hết năm 2020, Phù Yên có 7/26 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 19 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, không có xã đạt dưới 10 tiêu chí.

             

Thời gian tới, huyện Phù Yên tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, chú trọng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ cao, khuyến khích, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh phù hợp với nhu cầu thị trường; thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sinh học, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của huyện. Phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 
Tin tức








Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN PHÙ YÊN

Cơ quan chủ quản: UBND huyện Phù Yên - Giấy phép xuất bản số:      /GP-TTĐT
Địa chỉ: Tiểu khu 4 - Thị trấn Phù Yên - Huyện Phù Yên - Tỉnh Sơn La
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Phan Quý Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện
Điện thoại: 02123.863.322 |  Mail: bbt.phuyen@sonla.gov.vn
Ghi rõ nguồn "https://phuyen.sonla.gov.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

 Chung nhan Tin Nhiem Mang